Góp thêm tiếng nói giúp bảo vệ quyền người biểu diễn

Góp thêm tiếng nói giúp bảo vệ quyền người biểu diễn

Hình ảnh sử dụng vô tội vạ

Dù quyền của người biểu diễn đã quy định rất rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ nhưng trên thực tế nó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vấn đề không chỉ là quyền biểu diễn âm nhạc mà các quyền bảo vệ hình ảnh, uy tín… của nghệ sĩ cũng đang rất cần.
Việc hình ảnh bị sử dụng trái phép không riêng một ai. Không ít trường hợp các hoa hậu phải “la làng” khi thấy hình ảnh của mình xuất hiện quảng cáo trên các trang web, xuất hiện ở tiệm cắt tóc, chụp hình cưới, sản phẩm dưỡng da, thẩm mỹ... Thậm chí có nhiều trường hợp nghệ sĩ phải rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. Điển hình mới đây, hình ảnh hoa hậu Kỳ Duyên bị quảng cáo trên bìa đĩa sex của Nhật Bản với những lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng; hay trước đó hoa hậu Đặng Thu Thảo bị làm giả Facebook để kêu gọi từ thiện lừa đảo; diễn viên Công Lý bị lắp ghép khuôn mặt trên bìa một cuốn sách, hình ảnh các ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… nhan nhản ở các tiệm cắt tóc, chụp hình, trung tâm thẩm mỹ… Phần lớn khi biết hình ảnh bị sử dụng sai phạm, các nghệ sĩ chỉ biết “la làng” trên trang mạng cá nhân mà ít ai theo đến cùng để bảo vệ hình ảnh của mình. Trường hợp hiếm hoi có lẽ chỉ có diễn viên Đan Lê khi cô kiện một trang web sử dụng sai hình ảnh của mình. Sự việc đã khiến trang web này phải gỡ bỏ hình ảnh và chịu phạt 50 triệu đồng.
Danh sách các nghệ sĩ bị lạm dụng hình ảnh, bôi nhọ danh dự chắc chắn còn dài. Nhất là thời kì công nghệ số phát triển, không ít các trang web, nhãn hàng cố tình sử dụng hình ảnh trái phép để làm lợi cho mình. Quyền của người biểu diễn hơn lúc nào hết vẫn rất… chông chênh.
 

 
Không ít trường hợp các nghệ sĩ, hoa hậu… phải “la làng”
khi thấy hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép và phản cảm


Thêm một kênh giúp cho quyền lợi của người biểu diễn được bảo đảm hơn
 

Ngày 27.11, tại TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo ra mắt Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn (APPA) với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên; lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả; đại diện Hội Nhà báo VN; Hội Luật gia TP.HCM... Được thành lập từ tháng 2.2015 do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch, APPA hiện có 486 hội viên và hơn 10.000 tác phẩm…

Sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn (APPA) là tín hiệu vui với những người làm nghề. Hội sẽ là nơi hội tụ những tài năng nghệ thuật, sinh hoạt trao đổi về niềm đam mê của các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ... và quan trọng hơn là APPA sẽ bảo vệ những quyền cho nghệ sĩ như quyền biểu diễn, quyền xây dựng hình ảnh và bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền phát ngôn và từ chối phát ngôn, quyền thu phí bản quyền biểu diễn …
Các hội viên khi tham gia sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế với số tiền được thu từ các đơn vị trong nước thông qua kí hợp đồng cấp phép biểu diễn hoặc sử dụng các sản phẩm nghệ thuật: đài truyền hình, phát thanh, vũ trường, trung tâm thương mại, bài hát trong phim, clip quảng cáo, trang web âm nhạc… bảo vệ quyền tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có hợp đồng song phương với APPA. Việc bảo vệ quyền lợi được hội này thỏa thuận hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Cục An ninh mạng C50 (Bộ Công an)…
Với con số 15.000 người đang hoạt động biểu diễn âm nhạc trên cả nước, vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ là điều cần thiết. Theo bà Phan Huyền Thư, Phó Tổng thư ký APPA: “Không phải ai cũng được đào tạo bằng cấp chuyên nghiệp, nhận vào biên chế trong các đoàn dưới sự quản lý của Nhà nước. APPA hướng đến những đối tượng hoạt động tự do, cung cấp chứng chỉ hành nghề một cách hợp pháp. Nếu muốn làm album, liveshow có thể ủy thác cho APPA. Thậm chí khi các nghệ sĩ bị đăng tải thông tin sai sự thật, bị bôi nhọ hình ảnh APPA sẽ vào cuộc làm việc với các đơn vị kinh doanh lạm dụng hình ảnh nghệ sĩ phục vụ mục đích kinh doanh…”.
Vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan luôn là mối quan tâm hàng đầu của những người làm nghề. Việc ra đời của APPA sẽ thêm một kênh giúp cho quyền lợi của người biểu diễn được bảo đảm hơn. Trước đó không lâu là sự kết hợp giữa RIAV và Hanet trong việc kinh doanh và chi trả tác quyền cho người biểu diễn. Trong môi trường nhiều khó khăn trong việc thực thi và bảo vệ quyền cho các bên, sự ra đời của các tổ chức xem ra cũng là một tín hiệu lạc quan trong việc bảo hộ các sáng tạo văn hóa. Nghệ sĩ sẽ không còn đơn độc trong cuộc chiến đòi quyền lợi cho chính mình, hoàn toàn có thể hi vọng…
 

Mai Linh

 
 

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

 

Posted in: Tin tức - Sự kiện